Tiểu sử Trương_Lỗi

Thiếu thời

Tổ tiên của Lỗi là người Tiếu Quận, Bạc Châu [2],[3] dời nhà đến Hoài Âm, Sở Châu [4].[5]

Lỗi có vẻ ngoài khôi ngô, từ nhỏ thông minh khác thường, lên 13 tuổi đã giỏi làm văn,[6] lên 17 tuổi làm Hàm quan phú (函关赋), được người đời truyền miệng. Về sau Lỗi du học ở Trần Châu [7], được học quan Tô Triệt yêu mến, nhân đó theo Tô Thức du ngoạn. Tô Thức cũng rất xem trọng Lỗi, khen văn của ông khoát đạt chất phác, có thanh âm của nhất xướng tam thán [8].[9]

Sự nghiệp

Năm Hi Ninh thứ 6 (1073) thời Tống Thần Tông, Lỗi đỗ tiến sĩ, được trải qua các chức vụ Lâm Hoài chủ bộ, Thọ An úy, Hàm Bình huyện thừa.[10]

Đầu thời Tống Triết Tông, Lỗi về kinh làm Thái Học lục, nhờ Phạm Thuần Nhân tiến cử tham gia kỳ thi của Quán Các [11], lần lượt được thăng làm Bí thư tỉnh Chánh tự, Trứ tác tá lang, Bí thư thừa, Trứ tác lang, Sử quán kiểm thảo.[12] Lỗi ở Tam quán 8 năm, giữ vững chức trách, sanh hoạt đạm bạc. Sau đó Lỗi được cất nhắc làm Khởi cư xá nhân [13].[14] Đầu niên hiệu Thiệu Thánh (1094 – 1098), Lỗi xin ra quận, được lấy quan Trực Long Đồ các nhận chức Tri Nhuận Châu [15].[16] Tống Triết Tông thân chánh, phe biến pháp đắc thế, Lỗi bị xem là thành viên vào đảng Nguyên Hữu, chịu dời đi Tuyên Châu [17]. Năm Thiệu Thánh thứ 4 (1097), Lỗi lại chịu biếm trích làm Giám Hoàng Châu [18] tửu thuế,[19] rồi dời đi Phục Châu [20].

Tống Huy Tông nối ngôi (1101), Lỗi được khởi làm Thông phán Hoàng Châu, Tri Duyện Châu, triệu làm Thái Thường thiếu khanh; sau vài tháng, được ra làm Tri Dĩnh Châu [21], Nhữ Châu. Tại Dĩnh Châu, Lỗi nghe tin Tô Thức mất, bèn làm lễ cử ai cho ông ta. Năm Sùng Ninh đầu tiên (1102), triều đình tiếp tục đàn áp đảng Nguyên Hữu, có người bới móc việc Lỗi cử ai cho Tô Thức, khiến ông bị khôi phục đảng tịch, chịu biếm làm Phòng Châu [22] biệt giá, an trí Hoàng Châu.[23] Năm thứ 5 (1106), Lỗi được trả tự do, bèn ngụ cư ở Trần Châu.

Lỗi nhàn rỗi đã lâu, nhà ngày càng nghèo, quận thủ Trạch Nhữ Văn muốn mua giúp ruộng công; ông cảm ơn không nhận. Cuối đời Lỗi được nhận quan Giám Nam Nhạc miếu, Chủ quản Sùng Phúc cung. Năm Chánh Hòa thứ 4 (1114), Lỗi mất, hưởng thọ 61 tuổi.[24] Đầu thời Tống Cao Tông, Lỗi được tặng quan Tập Anh điện tu soạn.

Lỗi có ba con trai: Cự, Kiết, Hòa, đều đỗ tiến sĩ. Cự, Kiết cũng định cư ở Trần Châu, chết vì chiến loạn. bấy giờ Hòa đang làm Giáo quan ở phủ Thiểm Tây, quay về chịu tang 2 anh thì bị cướp giết chết.[25]